Contents
Số người mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới chiếm một tỷ lệ đáng kể trong dân số, căn bệnh này gây ra nhiều khó khăn cho người bệnh, nếu không điều trị có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm khó điều trị.
Việc tìm hiểu suy giãn tĩnh mạch chi dưới bệnh học giúp chúng ta có thêm hiểu biết về căn bệnh này để phòng tránh hoặc phát hiện sớm để điều trị kịp thời.
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới bệnh học
Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới là sự suy giản chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch ở chân, dẫn đến tình trạng máu ứ đọng lại và gây ra những biến đổi về huyết động và biến dạng tổ chức mô xung quanh.
Bệnh suy giãn tĩnh mạch khiến người bệnh bị nhức mỏi chân, nặng chân, phù nề, chuột rút ban đêm… hoặc dẫn đến những biến chứng khó điều trị như chàm da, loét chân không lành, chảy máu, viêm tĩnh mạch nông huyết khối…
Theo thống kê trên thế giới, số người mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới chiếm một tỷ lệ đáng kể, trong đó 70% là nữ giới. Nữ giới thường có tỷ lệ mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch cao hơn nam giới do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, quá trình mang thai, một số ngành nghề phải đứng lâu như bán hàng, dệt may, giáo viên, chế biến thủy hải sản… Một nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ công nhân chế biến thủy sản bị giãn tĩnh mạch chi dưới chiếm trên 70%
Nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch chi dưới
Theo các nhà khoa học, nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch chi dưới chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên có thể xác định bệnh có liên quan đến một số yếu tố nguy cơ do tổn thương chức năng các van một chiều của hệ tĩnh mạch ngoại biên.
Cụ thể các yếu tố làm tăng nguy cơ suy giãn tĩnh mạch chi dưới gồm:
- Tuổi cao: tuổi tác càng cao sẽ kéo theo những bệnh của quá trình tích tuổi trong đó có suy tĩnh mạch…
- Tiền căn huyết khối tĩnh mạch chi dưới
- Lối sống tĩnh tại, ít vận động
- Tư thế làm việc hay sinh hoạt: phải đứng nhiều hoặc ngồi nhiều một chỗ lâu, ít vận động, thường xuyên mang vác nặng
- Phụ nữ mang thai
- Chấn thương ở chân
- Tăng huyết áp.
- Thừa cân béo phì, chế độ ăn ít chất xơ và vitamin
Triệu chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới
Triệu chứng của bệnh tùy thuộc vào từng giai đoạn.
Ở giai đoạn đầu, người bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới có các triệu chứng như sau:
- Cảm giác khó chịu ở bắp chân, nặng chân, có khi có các cảm giác dị cảm kiến bò, nóng rát
- Chuột rút ở bắp chân thường xảy ra vào ban đêm
- Giãn các mao mạch và tĩnh mạch nông ở chân
- Sưng phù xung quanh mắt cá chân, rõ vào buổi tối
- Đau nhức, tê mỏi chân
Các triệu chứng tăng lên vào chiều tối, sau khi đứng lâu và giảm sau khi ngủ dậy, sau nghỉ ngơi, kê chân cao, chườm lạnh…
Ở giai đoạn tiến triển, bệnh gây ra các triệu chứng như:
- Phù chân, có thể phù ở mắt cá hay bàn chân.
- Vùng cẳng chân xuất hiện thay đổi màu sắc da do máu ứ ở tĩnh mạch lâu ngày sẽ có biểu hiện loạn dưỡng.
- Các tĩnh mạch trương phồng lên gây cảm giác nặng, đau nhức chân, máu thoát ra ngoài mạch gây phù chân. Các triệu chứng này không mất đi khi nghỉ ngơi, nghiêm trọng hơn người bệnh có thể thấy các búi tĩnh mạch trương phồng nổi rõ trên da một cách thường xuyên, các mảng bầm máu trên da…
Giai đoạn biến chứng: Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới gây viêm tĩnh mạch nông huyết khối (biến chứng của viêm tĩnh mạch nông huyết khối là thuyên tắc tĩnh mạch sâu đoạn gần, đoạn xa và thuyên tắc phổi), chảy máu nặng do giãn vỡ tĩnh mạch, nhiễm khuẩn vết loét của suy tĩnh mạch mạn tính.
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới bệnh học: phương pháp điều trị
Tùy vào mức độ và bản chất của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị khác nhau, có thể là điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật.
Mục tiêu điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới bao gồm: Giảm khó chịu, giảm phù, ổn định vẻ ngoài của da, loại bỏ giãn tĩnh mạch, điều trị vết loét (nếu có).
Phòng bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới như thế nào?
Để phòng ngừa bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới cần lưu ý:
- Thay đổi một số thói quen trong sinh hoạt và làm việc, không nên đứng hoặc ngồi quá lâu ở một chỗ, nên nghỉ giữa ca, vận động tại chỗ, xoa bóp chân, thư giãn cơ thể.
- Mang phương tiện bảo hộ lao động thường xuyên;
- Khám sức khỏe định kỳ.
- Nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Khi có triệu chứng của bệnh, người bệnh cần đi khám và điều trị kịp thời để ngăn ngừa bệnh tiến triển ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống.